Nuôi chim yến trong nhà: Sẽ quy định chặt chẽ hơn

Những năm gần đây, nghề nuôi chim yến để lấy tổ đã có những bước phát triển hết sức sôi động. Tuy nhiên, các quy định quản lý hoạt động này dường như không còn phù hợp và đang nảy sinh nhiều bất cập. Hội nghị đánh giá tình hình và công tác quản lý nuôi chim yến vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức tại Khánh Hòa nhằm định hướng giải quyết các bất cập này.
Nghề nuôi yến phát triển mạnh
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, từ năm 2004 đến nay, chim yến đã vào sinh sống và làm tổ trong nhà ở hầu hết các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau, Phú Quốc (Kiên Giang) và phát triển mạnh trong khoảng 4 năm trở lại đây. Năm 2013, cả nước có khoảng 30 tỉnh, thành nuôi chim yến với hơn 2.600 nhà yến; đến tháng 6-2017 đã có tới 42 tỉnh, thành nuôi và khai thác sản phẩm của chim yến với hơn 5.000 nhà yến. Mỗi năm khai thác tổng sản lượng hơn 40 tấn tổ yến (không bao gồm yến đảo).
Dẫn dụ, gây nuôi và khai thác sản phẩm từ yến là một nghề cho sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao, từ 2.000 đến 2.500 USD 1kg tổ yến. Sản phẩm đặc trưng này chủ yếu xuất khẩu, mang về khoản ngoại tệ từ 20 đến 25 triệu USD/năm. Từ chỗ chỉ khai thác yến đảo thiên nhiên, hoạt động dẫn dụ, gây nuôi dần trở thành một ngành chăn nuôi quan trọng, ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với đó, các nghiên cứu và áp dụng khoa học vào các khâu: ấp trứng, nuôi nhân tạo, di đàn, dẫn dụ, khai thác… cũng phát triển.
Trao đổi tại hội nghị, Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khánh Hòa khẳng định, theo thời gian, chim yến nhà ngày càng phân bổ rộng khắp ở các địa phương trên cả nước. Việc nuôi chim yến trong nhà cũng như hiệu quả của việc dùng yến sào ngày càng được nhiều người biết đến. Vì thế, lượng nhà yến phát triển với tốc độ nhanh, tạo nên làn sóng mới thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội. Một số địa phương có số lượng nhà yến cao như: Tiền Giang (697 nhà), TP. Hồ Chí Minh (612 nhà), Kiên Giang (548 nhà)…
Tại Khánh Hòa, theo ông Tào Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 210 nhà yến với tổng diện tích hơn 24.000m2. Theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ phát triển tổng đàn chim yến nuôi hơn 1,3 triệu con, tương ứng với gần 40.000m2 nhà yến. Đây là cơ sở để Khánh Hòa hình thành nên các làng nghề nuôi chim yến và trở thành một trong những ngành nghề mũi nhọn của ngành Nông nghiệp.
Còn nhiều bất cập
Năm 2013, văn bản pháp lý đầu tiên của nghề nuôi chim yến được thể hiện tại Thông tư 35 ngày 22-7-2013 quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến của Bộ NN-PTNT. 4 năm sau, ngày 18-7-2017, hội nghị đánh giá thực hiện Thông tư 35 do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chủ trì được tổ chức tại Khánh Hòa.
Tại hội nghị, không hẹn mà gặp, cả Cục Chăn nuôi, Chi hội Nhà yến Việt Nam, Hiệp hội Yến sào Việt Nam, đại diện một số địa phương có nghề nuôi chim yến phát triển như: Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Khánh Hòa đều có chung một đề xuất, kiến nghị, đó là nghề nuôi chim yến đang có bước phát triển rất nhanh.
Song, các quy định liên quan đến hoạt động này, cụ thể là Thông tư 35 chỉ mới là một quy định tạm thời và đang thể hiện nhiều bất cập, cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành quy định mới.
Theo ông Tào Anh Tuấn, ở Khánh Hòa, một số hộ dân xây dựng nhà yến nhưng không khai báo, không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, mở âm thanh gọi yến có âm lượng vượt quá ngưỡng quy định, không đăng ký nhãn mác… Còn đại diện Sở NN-PTNT TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung Thông tư 35 phù hợp với tình hình hiện nay, trong đó quy định chi tiết chế tài áp dụng xử lý đối với các trường hợp nuôi chim yến không đảm bảo yêu cầu; ban hành các quy trình kỹ thuật nuôi chim yến, quy trình sơ chế, bảo quản; quy định về khoảng cách tối thiểu từ nhà nuôi chim yến đến khu dân cư, công trình công cộng. Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang đề nghị: Quy định rõ trách nhiệm của đơn vị, ngành quản lý các cơ sở nuôi chim yến; quy định cụ thể quy chuẩn, tiêu chuẩn, cơ sở pháp lý nhằm giúp các địa phương quản lý tốt hơn, tạo điều kiện để xây dựng được quy hoạch vùng nuôi. Còn theo bà Đỗ Tú Quân – Chi hội trưởng Chi hội Nhà yến Việt Nam, thuộc Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam: “Các chủ nhà yến sau khi giải quyết được vấn đề dẫn dụ chim yến hoang dã vào nhà làm tổ đều đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt cơ sở pháp lý để hoạt động đúng theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang thiếu cơ sở pháp lý để xuất khẩu yến chính ngạch. Vì vậy, ngành yến sào đang rất cần có một hệ thống pháp lý đầy đủ để đảm bảo công tác quản lý chặt chẽ hơn, người dân được xây nhà yến hợp pháp, người tiêu dùng yên tâm sử dụng yến sào, doanh nghiệp có đủ cơ sở pháp lý để kinh doanh xuất nhập khẩu”.
Chính vì chưa có quy định cũng như chế tài đủ mạnh nên theo Cục Chăn nuôi, hoạt động nuôi chim yến trong những năm gần đây có dấu hiệu phát triển quá nóng, mang tính tự phát cao. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức cho người nuôi, không ít hộ nuôi đầu tư nhà nuôi hàng tỷ đồng nhưng không dẫn dụ được chim yến đến làm tổ. Đồng thời, Thông tư 35 cũng đang “làm khó” đối với công tác quản lý hoạt động này, nhất là từ ngày 1-7-2016, Bộ NN-PTNT có quyết định bãi bỏ Điều 3 và Điều 4 của Thông tư 35. Đây là 2 điều rất quan trọng, trong đó Điều 3 quy định về khai báo và quy định vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến, Điều 4 quy định về cường độ âm thanh và khoảng thời gian sử dụng âm thanh trong ngày để dẫn dụ chim yến.