Thành lập Hội Yến sào Phú Yên: Vì sự phát triển bền vững ngành Yến

Những năm gần đây, ngành ở tỉnh tăng trưởng nhanh chóng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng trưởng nhanh, ngành Yến ghi nhận nhiều lo ngại của người nuôi yến, người dân, các cơ quan quản lý. Nhằm phát triển bền vững, đảm bảo vệ sinh thú y, môi trường và hướng đến đăng ký thương hiệu yến sào Phú Yên, việc thành lập Hội Yến sào Phú Yên trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Khai thác tổ yến tại một nhà yến xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa – Ảnh: THÁI HÀ

Kịp thời thành lập Hội Yến sào Phú Yên

ThS Lê Hữu Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty khi thực hiện các dự án nuôi yến đảo thiên nhiên và chuyển giao kỹ thuật nuôi yến trong nhà tại Phú Yên cho biết, nuôi chim yến trong nhà lấy tổ là một nghề mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra công ăn việc làm, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát triển đàn chim yến (là động vật hoang dã quý hiếm có lợi cho đời sống con người). Nghiên cứu, khảo sát thực tế cho thấy tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến ở Phú Yên rất lớn.

Theo Sở KH-CN, nghề nuôi chim yến tại Phú Yên hình thành, phát triển mạnh từ năm 2010 đến nay, tạo công ăn việc làm cho người dân, mang lại nguồn thu đáng kể cho người nuôi. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 300 nhà nuôi yến, xuất hiện ở tất cả các huyện, thị trong tỉnh và tập trung chủ yếu tại TP Tuy Hòa, các huyện Tuy An, Phú Hòa và Đông Hòa.

Mặc dù phát triển khá rầm rộ nhưng nghề nuôi chim yến chủ yếu tự phát nên mối liên kết giữa người nuôi với nhau, người nuôi với các cơ sở thu mua chế biến chưa được hình thành; người nuôi thiếu thông tin kỹ thuật, thị trường, giá cả, chính sách; việc quản lý nhà yến chưa chặt chẽ… dẫn đến tỉ lệ nhà yến thành công thấp và gây ra nhiều hệ lụy khiến người dân sống trong các khu dân cư có nhà yến phản ứng mạnh. Đứng trước những khó khăn đó của ngành Yến, Ban vận động thành lập Hội Yến sào Phú Yên do ông Phạm Duy Khiêm (TP Tuy Hòa) làm trưởng ban đã được thành lập.

Ông Khiêm cho biết, Hội Yến sào sẽ là nơi tập hợp, liên kết trí tuệ, nguồn lực giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh để các bên cùng hợp tác, hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm, thông tin; tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nuôi chim yến; đảm bảo vệ sinh thú y, môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm yến sào Phú Yên… Qua đó giúp ngành Yến sào Phú Yên phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Góp phần phát triển bền vững nghề nuôi chim yến

Để góp phần phát triển nghề nuôi chim yến bền vững, tỉnh đã thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhà nuôi chim yến và quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến tại Phú Yên”. Đây là dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH-CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015 do ThS Nguyễn Trọng Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ thực hiện. Sau khi kết thúc dự án vào tháng 9/2017, đến tháng 2/2018, Sở KH-CN đã chuyển giao cho Sở NN-PTNT quản lý và thực thi.

Cùng với các chính sách quy hoạch, phát triển ngành Yến của chính quyền địa phương, Ban Vận động thành lập Hội Yến sào Phú Yên cũng đã có văn bản đề nghị Sở Nội vụ xem xét, quyết định cho phép thành lập Hội Yến sào tỉnh. Ngày 14/9/2018, UBND tỉnh đã có quyết định về việc cho phép thành lập Hội và dự kiến trong tháng 12/2018 sẽ tổ chức Đại hội thành lập Hội Yến sào Phú Yên.

Theo ông Phạm Duy Khiêm, trong quá trình phát triển, Hội Yến sào Phú Yên sẽ là đơn vị tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và chia sẻ thông tin cho hội viên, hướng dẫn hội viên tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước và điều lệ, quy chế, quy định của Hội; đại diện hội viên tham gia, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về các chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật; tham gia tư vấn, xây dựng chương trình, chủ trì các dự án, đề tài nghiên cứu phát triển công nghiệp nuôi chim yến theo quy định của pháp luật…

Với trách nhiệm nặng nề, người đứng đầu Hội phải có thâm niên, uy tín, am hiểu về lĩnh vực yến sào, tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia uy tín ngành nghề yến sào… để chèo lái và thực hiện các mục tiêu mà Hội đặt ra. Có như vậy Hội Yến sào Phú Yên mới đủ mạnh, đủ uy tín để có tiếng nói chung, vì lợi ích cộng đồng và người dân, góp phần phát triển bền vững ngành nghề yến sào Phú Yên.

THÁI HÀ- Báo Phú Yên