Đưa yến sào sang Trung Quốc bằng chính ngạch

Việc xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc sẽ giúp các DN yến sào trong nước tăng sức tiêu thụ, tăng giá trị sản phẩm.

DN Trung Quốc tìm hiểu sản phẩm tổ yến của Việt Nam. Ảnh: N.Hiền.

Ban hành TCVN về nhà yến và tổ yến

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện cả nước có 42/63 tỉnh thành nuôi yến với trên 8.300 nhà yến, sản lượng 64.390 kg yến sào/năm. Nghề nuôi chim yến của Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng và triển vọng rất lớn. Sản phẩm từ yến có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao, đạt từ 1.500 – 2.000 USD/kg tổ yến. Mỗi năm, xuất khẩu tổ yến mang về khoản ngoại tệ khoảng 100 – 125 triệu USD.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá, hiện việc gây nuôi chim yến còn mang tính tự phát, phong trào, chưa có định hướng phát triển dài hạn. Mặc dù nuôi chim yến đã phát triển trở thành một nghề kinh tế có mức tăng trưởng cao ở nhiều địa phương nhưng đối tượng nuôi này lại chưa được điều chỉnh trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020. Do vậy, việc quản lý an toàn dịch bệnh, an toàn cho người còn chưa được đảm bảo. Việt Nam cũng chưa có quy định cụ thể về vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt công tác quy hoạch. Hiện có tới 90% nhà yến nằm xen lẫn trong khu dân cư, nhiều nhà yến còn xây dựng trên nhà ở của người dân.

Đi kèm với sự phát triển mang tính tự phát, hoạt động thương mại, mua bán sản phẩm tổ yến cũng chưa có thị trường ổn định, nhiều khi bị ép giá; việc đầu tư vào khâu chế biến còn chưa được chú trọng, chưa có tiêu chuẩn sản phẩm đối với mặt hàng này, nhiều sản phẩm chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị chưa cao.

Để giải quyết các vấn đề trên, ông Trọng cho hay, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng và ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Chăn nuôi, trong đó có nội dung hướng dẫn quản lý nuôi chim yến. Theo đó, chủ cơ sở nuôi chim yến thực hiện đăng ký DN tại cấp có thẩm quyền quy định tại Luật DN số 68/2014/QH13 hoặc phải đăng ký DN, những cơ sở không thuộc diện đăng ký DN phải khai báo với UBND cấp xã, nơi có cơ sở nuôi yến.

Nghị định cũng sẽ quy định vị trí xây dựng mới nhà yến; lộ trình di dời đối với các cơ sở đã xây dựng trước đây mà không đáp ứng các quy định và để phù hợp với quy hoạch của địa phương; quy định về vệ sinh và quản lý dịch bệnh của cơ sở nuôi chim yến. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng và ban hành tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) nhà yến và TCVN tổ yến nhằm đảm bảo công tác quản lý chất lượng tổ yến, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã tăng cường công tác xúc tiến thương mại về sản phẩm yến, đã có các chương trình hợp tác giữa các DN trong và ngoài nước như hợp tác giữa Chi hội Nhà yến Việt Nam thuộc Hiệp hội trang trại và DN nông nghiệp Việt Nam với Chi hội của Hiệp hội Y Dược vật chất Trung Quốc, hợp tác giữa Trung tâm triển lãm yến sào Việt Nam và Đông Nam Yến Đô (Hạ Môn, Trung Quốc).

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết Việt Nam đã gửi văn bản cho phía cơ quan quản lý Trung Quốc đề nghị mở cửa chính thức đối với mặt hàng yến sào. Hiện phía hải quan Trung Quốc đã bắt đầu quy trình thẩm tra đánh giá rủi ro đối với tổ yến nhập khẩu và Việt Nam đang thực hiện theo yêu cầu phía bạn. Theo ông Nam, lâu nay, yến sào Việt Nam vẫn chưa được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc mà chủ yếu nhập qua tiểu ngạch. Việc xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc sẽ giúp các DN yến sào trong nước tăng đầu ra tiêu thụ, tăng được giá trị sản phẩm.

Trong khi đó, về phía các DN Trung Quốc, ông Lạc Nghĩa Ninh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Y dược Vật chất Trung Quốc cho biết, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ yến sào lớn nhất thế giới, chiếm đến 80% thị phần yến sào toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu sản phẩm yến sào của người Trung Quốc không ngừng tăng trong những năm gần đây. Từ 3,1 tấn năm 2014 lên tới 81,4 tấn trong năm 2017, tăng 26 lần. Năm 2018, số lượng nhập khẩu tiếp tục tăng 56% so với năm 2017.

Ông Ninh cũng đánh giá rất cao chất lượng của tổ yến Việt Nam và mong muốn được nhập khẩu mặt hàng này vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, những năm gần đây, Trung Quốc rất coi trọng việc kiểm tra, kiểm dịch nông sản, thực phẩm nhập khẩu. Hiện mới chỉ có 56 DN của Malaysia, Indonesia và Thái Lan được phép xuất khẩu chính ngạch tổ yến vào Trung Quốc. Còn tổ yến Việt Nam vẫn chỉ nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua các kênh không chính thức, nên khi Chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát sẽ tác động rất lớn đến ngành yến của cả hai nước. “Do đó bắt buộc hai nước phải ký nghị định thư giao dịch quốc gia cho các sản phẩm yến sào càng sớm càng tốt và thực hiện quy trình an toàn chất lượng có liên quan được quy định trong Nghị định thư. Chỉ có con đường chính ngạch mới mang lại lợi ích lâu dài cho ngành yến hai quốc gia”, ông Ninh nói.

Bà Đỗ Tú Quân, Chi hội trưởng Chi hội Nhà yến Việt Nam, cũng khuyến cáo các DN ngành yến Việt Nam cần liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phối hợp quản lý chất lượng yến sào từ nhà yến đến các cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc nhằm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bà Quân cho hay, hiện Hiệp hội Trang Trại và DN Việt Nam đang phối hợp với Bộ NN&PTNT phổ biến yêu cầu thị trường tiêu thụ về tiêu chuẩn yến sào Việt Nam, xây dựng trung tâm kiểm định chất lượng, trung tâm sơ chế yến sào Việt Nam. Đồng thời, hiệp hội phối hợp với Bộ xây dựng thương hiệu quốc gia cho yến sào Việt Nam, hỗ trợ các nhà yến Việt Nam sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Nguồn: b.a.o.h.a.i.q.u.a.n...v.n.

Xem thêm: Nhu cầu nhập khẩu yến sào Việt của Trung Quốc không ngừng tăng