Bình Định: Chấn chỉnh nuôi chim yến

Sau thời gian dài lúng túng trong quản lý hoạt động tự phát nuôi chim yến tràn lan trong khu dân cư làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, tỉnh Bình Định đã bắt đầu đưa việc nuôi chim yến đi vào quy củ, tiến tới quy hoạch chặt chẽ vùng nuôi.

Chấm dứt nuôi ở một số địa phương

Hiện nay, không chỉ ở các địa phương ven biển, mà cả những vùng đồng bằng trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng xuất hiện những nhà nuôi yến cao lừng lững. Cũng dễ hiểu, bởi nghề nuôi yến không phải bỏ vốn mua con giống, không tốn chi phí thức ăn cho yến, xây nhà nuôi yến thì cơ sở vật chất còn đó, chỉ cần đầu tư hệ thống âm thanh dẫn dụ chim yến về làm tổ là có thể “hái ra tiền”. Do đó, phong trào nuôi yến trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh đến “chóng mặt”. Theo Sở NN-PTNT Bình Định, toàn tỉnh có trên 600 nhà nuôi yến, tập trung chủ yếu tại huyện Hoài Nhơn với 346 nhà, TP Quy Nhơn 109 nhà, huyện Tuy Phước 56 nhà…

Nuôi yến theo kiểu “2 trong 1”, yến ở trên người ở dưới

Đáng lo ngại là hầu hết các nhà nuôi yến đều nằm trong khu dân cư. Ví như các nhà yến ở các xã khu Đông nằm ven đầm Thị Nại thuộc huyện Tuy Phước. Nhiều hộ dân đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà cao tầng để nuôi yến, hoặc tận dụng tầng thượng ngôi nhà để nuôi yến, tầng dưới người ở theo kiểu “2 trong 1”. Để dẫn dụ yến về làm tổ, các nhà yến đều lắp đặt hệ thống phát ra âm thanh ríu rít suốt ngày đêm, khiến những hộ dân sống trong vùng phải sống trong cảnh “ô nhiễm âm thanh”.

Trước thực trang trên, vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã ký Quyết định số 1709/UBND-KT về việc dừng phát triển nuôi chim yến tại các xã khu Đông gồm các xã: Phước Hòa, Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Thắng thuộc huyện Tuy Phước.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở TN-MT, UBND huyện Tuy Phước không giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình với mục đích xây dựng nhà nuôi yến tại đây. Đồng thời, giao UBND huyện Tuy Phước kiểm tra, thực hiện nghiêm túc chủ trương của UBND tỉnh và yêu cầu dừng việc xây dựng các nhà nuôi yến, có biện pháp xử lý đối với các hộ không chấp hành.

Theo ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, từ tháng 4/2018, huyện đã không còn giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân có mục đích xây dựng nhà nuôi yến, đặc biệt là tại các xã khu Đông. Vì vậy, hoạt động xây nhà nuôi yến ở khu vực này đã được kiểm soát.  

Vào quy hoạch

Theo quy định của Bộ NN-PTNT tại Thông tư số 35 ban hành năm 2013, các gia đình, cá nhân nuôi chim yến có trách nhiệm khai báo với phòng kinh tế huyện trước khi nuôi; vị trí nuôi phải phù hợp với quy hoạch hoặc được UBND huyện đồng ý bằng văn bản; cường độ âm thanh dẫn dụ yến không được vượt quá 70 dBA và chỉ được mở từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối.

Nhà yến mọc lên khắp nơi ở các xã khu Đông huyện Tuy Phước (Bình Định)

Đến năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 66 quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, giống cây trồng, nuôi động vật rừng thông thường, chăn nuôi, thủy sản, thực phẩm, trong đó có nội dung đề cập đến hoạt động dẫn dụ, gây nuôi chim yến, nhưng còn chung chung, thời gian không rõ ràng khiến các địa phương lung túng khi áp dụng.

Trước phản ánh dữ dội của người dân về tiếng ồn do chim yến gây ra trong khu dân cư, ngày 30/10/2018, UBND tỉnh Bình Định đã có công văn đồng ý về chủ trương cho phép Sở NN-PTNT xây dựng Đề án quản lý và phát triển nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2023, tầm nhìn 2030. Quyết định này sẽ giúp cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương trong công tác kiểm soát, quản lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, môi trường và dịch bệnh đối với hoạt động nuôi chim yến.

“Ngành chức năng đang nghiên cứu, xây dựng đề án quản lý và phát triển nuôi chim yến trên địa bàn. Nội dung đề án sẽ lưu ý đến việc quy hoạch vùng nuôi yến tập trung để kêu gọi đầu tư; và có giải pháp cụ thể giải quyết đối với những cá nhân, tổ chức đã gây nuôi chim yến, nhất là ở khu vực thành phố và vùng gây nuôi tập trung, xen lẫn khu dân cư”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

DƯƠNG LAM

Xem thêm:An Giang quy hoạch phát triển nghề nuôi chim yến