30 phút tư vấn trực tuyến về cách giữ sức khỏe mùa thi

Bác sĩ Nguyễn Lan Hải tư vấn trên VnExpress.net về cách giữ sức khỏe mùa thi.  Uống quá nhiều rượu bia, chất độc không thể thoát ra mà tích tụ trong gan làm gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan.Khi bị va chạm mạnh, khối cơ lưỡi ở người tụt xuống, gây nghẹt đường thở, cản trở hô hấp, gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.Fucoidan hỗ trợ thúc đẩy quá trình tự diệt của tế bào ung thư, góp phần ức chế khối u, tăng miễn dịch cơ thể khi hóa, xạ trị.

Con tôi đang chuẩn bị cho kỳ thi chung lớp 12. Xin hỏi có nên thức khuya đến 12h khuya để học bài không? Nên ăn gì tốt cho sức khỏe, có nên uống thêm thuốc bổ não không? Xin cảm ơn.

Huỳnh Thị Cúc, 53 tuổi, 62/33A.kp5 phường Trường Thọ Thủ Đức

Chào bạn, chào độc giả VnExpress.

Các sĩ tử sắp bước vào kỳ thi rất quan trọng. Phải học bài nhiều, song không nên thức đến nửa đêm mà hãy ngủ sớm, dậy sớm thì sẽ tốt hơn. Theo đồng hồ sinh học, từ 21 đến 23h là quãng thời gian hệ miễn dịch (bạch cầu lymph) đào thải chất độc. Từ 23h đêm đến 1h sáng là thời gian bài độc của gan, quá trình này cần tiến hành trong khi ngủ say. Do đó không nên thức trong khoảng thời gian này sẽ làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể.

Thức khuya sẽ dậy muộn, thường đi kèm cảm giác uể oải, ù tai, hoa mắt, ăn uống kém ngon miệng, khô mắt, đau mỏi cơ, ảnh hưởng phát triển chiều cao. Thực tế nhiều sĩ tử thi tốt nghiệp với điểm số khá cao mà vẫn ngủ đủ 8 tiếng một ngày đêm. Điều quan trọng là nắm vững kiến thức và phân bố quỹ thời gian hợp lý để cân bằng việc học và sức khỏe. Làm “cú đêm” chưa chắc đã học được nhiều kiến thức hơn đâu.

Về khía cạnh dinh dưỡng, theo hướng dẫn của Trung tâm dinh dưỡng TP HCM, các học sinh sắp bước vào kỳ thi cần lưu ý:

– Ăn đủ 3 bữa chính kèm thêm 2-3 bữa phụ.

– Tiêu thụ đa dạng các loại thực phẩm: Ngũ cốc nguyên hạt, chất đạm (ít nhất 3 bữa cá trong tuần), thêm các loại hạt nhiều dầu, ăn đủ rau và trái cây.

– Sử dụng muối iôt thay muối thường để chế biến thức ăn.

– Hạn chế các thức ăn ngọt từ đường tinh (nước ngọt, kẹo, thức uống có đường…).

– Chú ý vệ sinh, ăn chín uống sôi để không bị bệnh đường tiêu hóa. Nên thư giãn khi quá mệt mỏi và căng thẳng.

Cháu năm nay 14 tuổi, học lớp 9 thi vào lớp 10. Trước khi thi cháu cao 1,54 m, nặng 47 kg. Trong giai đoạn nước rút ôn thi, mẹ cho cháu ăn nhiều hơn cụ thể là 3 bát cơm mỗi bữa với thức ăn đầy đủ. Vậy mà cháu sụt cân xuống còn 41,5 kg. Mọi người nhận xét là trông da cháu vàng hơn. Giai đoạn này lúc nào cháu cũng trong tình trạng căng thẳng, kể cả trong lúc ngủ. Xin hỏi bác sĩ tại sao lại như vậy?

Lê Hà Minh Châu, 15 tuổi

Cứ vào mùa thi cử, nhiều học sinh, sinh viên lại rơi vào trạng thái “tuột dốc” về sức khỏe. Căn bệnh của một số học sinh hay than “sáng mệt, trưa ủ rũ, chiều thiếu tập trung, tối mỏi” có thể là do các em bị thiếu khoáng chất (bao gồm cali, natri, canxi, photpho, magiê, lưu huỳnh, sắt, kẽm) là thành phần quan trọng xây dựng nên bộ xương, có trong dịch nội bào, nước mô, huyết tương. Chúng tham gia các hoạt động trao đổi của tế bào và hoạt động co cơ, hình thành và dẫn truyền xung thần kinh.

Magiê (Mg) là yếu tố vi lượng (tuy không cung cấp năng lượng cho cơ thể, nhưng không thể thiếu trong khẩu phần ăn uống). Chất này cần thiết cho hoạt động của cơ tim và sự dẫn truyền thần kinh, giữ vai trò xúc tác trong hàng trăm phản ứng biến dưỡng có liên quan đến việc cung cấp năng lượng cho cơ thể. Bởi vậy chỉ cần thiếu magiê, người cứ như rơi vào tình trạng “hết pin”, dù cơ thể được cung cấp đầy đủ đạm, mỡ, đường, các vitamin và khoáng chất khác.

Do đó, cháu hãy quan tâm “sạc pin” cho cơ thể trong mùa thi bằng cách:

– Dinh dưỡng hợp lý, cân đối: Vừa ăn thịt, cá, nghêu, sò, ốc, hến, tôm, cua, vừa ăn cà rốt, bầu bí, rau, củ, quả, hạt các loại. Tăng cường lượng rau xanh và trái cây tươi trong khẩu phần ăn hàng ngày, đặc biệt là món giá sống hay rau mầm (nhớ rửa sạch). Nguyên tố vi lượng này cũng có nhiều trong thịt trai và các hải sản (những con có 2 mảnh vỏ).

– Khi phát hiện tình trạng mỏi mệt kéo dài vài ngày và không hồi phục, dù đã nghỉ ngơi thư giãn, hãy uống magiê kết hợp với sinh tố chống trầm cảm B6 càng tốt. Dùng mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ một đến 2 viên.

– Nếu thường bị chuột rút vào ban đêm, dù suốt ngày không vận động nặng, nên hỏi ý kiến thầy thuốc về liệu trình dùng magiê và canxi.

Để biết rõ hơn, cháu nên đến bệnh viện để các bác sĩ khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán. Trong khuôn khổ thời lượng chương trình tư vấn trực tuyến, tôi chỉ có thể đưa ra một số nhận xét để cháu tham khảo.

Thưa cô, con muốn hỏi là làm sao để tụi con có thể duy trì sức và tinh thần trong những môn thi diễn ra trong suốt 3 tiếng đồng hồ? Sau mấy lần thi thử thì con thấy mình dễ bị đuối nhất vào khoảng 45 phút cuối. Con muốn hỏi thêm là làm sao để tụi con có thể tránh trạng thái dễ buồn ngủ vào những buổi thi vào buổi chiều? Con cảm ơn cô.

Mã Kiều Khanh, 18 tuổi

Bạn cần phải ngủ đủ giấc, từ 7- 8 tiếng mỗi đêm. Giấc ngủ ban đêm giúp bạn bù đắp lại sức khỏe và nạp năng lượng cho cơ thể vào ngày hôm sau. Có như vậy mới tỉnh táo và tập trung làm bài thi được. Trong giai đoạn “nước rút”, bạn có thể tăng thời giờ học lên nhưng vẫn phải ngủ không dưới 6 tiếng nhé. Tốt nhất, buổi tối tranh thủ ngủ sớm rồi dậy sớm, đầu óc sẽ thoải mái hơn, ít buồn ngủ hơn vào buổi thi chiều.

Bên cạnh đó cần đảm bảo không bị đói bụng, vì khi đói, bạn sẽ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, chỉ muốn gục mặt xuống bàn.

Con tôi bình thường đã dư cân. Đến mùa thi tôi không dám bồi bổ cho cháu ăn, nhưng lại sợ thiếu dinh dưỡng cháu sẽ không đủ sức để học hành. Mong bác sĩ tư vấn giúp.

Ngọc Hạnh, 39 tuổi, Thanh Hoa

Nếu không cung cấp đủ chất dinh dưỡng thì cháu sẽ bị hoa mắt, choáng váng, xây xẩm do hạ đường huyết, khó mà tập trung học tốt được. Ngược lại, ăn nhiều thực phẩm béo bổ, giàu năng lượng sẽ khiến máu phải dồn về dạ dày để tiêu hóa, làm cho sĩ tử thấy “căng da bụng chùng da mắt”, chẳng còn bụng dạ đầu óc đâu mà học.

Do đó cần ăn uống giản dị để dạ dày đỡ vất vả, ăn vừa đủ, đúng bữa với các thức ăn dễ tiêu và nhớ chú ý an toàn thực phẩm. Cũng nên tăng cường ăn rau và trái cây, uống từ 1,2 đến 2 lít nước mỗi ngày. Có giờ giải lao, vận động thường xuyên để “giải tán gia đình nhà mỡ”. Tránh cà phê, các thức ăn chiên xào, bánh kẹo nhiều đường, bột, gia vị, snack…

Bên cạnh đó, cần tập thói quen tốt về vệ sinh: Mỗi ngày đi cầu một lần, đúng giờ, để thành phản xạ tốt cho đường ruột, tránh trì trệ, táo bón.

Cháu nhà tôi học giỏi lắm, nhưng bị tật là mê học quá quên cả ngủ. Mỗi ngày cháu chỉ ngủ 4-5 tiếng đồng hồ. Tôi không biết như thế có hại không? Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi cách nào để khuyên con.

Kim Ngân, 41 tuổi, Đăk Lăk

Chúc mừng gia đình bạn có được đứa con hiếu học và rất tự giác. Niềm say mê và sự quyết tâm khiến cháu “bớt ăn bớt ngủ” dồn sức cho cuộc thi. Đó là điều đáng khen, nhưng cha mẹ cũng nên phòng xa đừng để con bị thiếu ngủ triền miên đến nỗi “đuối” ngay ngày thi đầu tiên.

Thực tế mùa thi nào cũng có sĩ tử bị ngất trong phòng thi. Có bạn kiệt sức ngủ gục ngay trên trang giấy trắng. Có bạn suy sụp vì không chấp nhận kết quả học tập dù thành tích đạt được đã là rất đáng khen. Nguyên nhân chính là do sĩ tử ấy đã dồn hết tinh thần, trí lực, tâm huyết vào việc học tập, thi cử. Nếu kết quả đạt được mỹ mãn thì không sao, nhưng một khi kết quả không như mong muốn, sức khỏe tâm thần của các bạn sẽ trượt dốc, mặc dù trước đó đang có cuộc sống bình an và tự tin trong mọi lĩnh vực.

Các nước phương Tây từ nhiều năm nay đã liên tục cảnh báo về hội chứng “cháy sạch” (burn-out syndrom). Theo y học, đây là dạng “kiệt sức nghề nghiệp”, xuất phát từ tình trạng suy nhược thần kinh, thường gặp ở nhóm trí thức. Người bệnh cạn kiệt cả thể chất lẫn tinh thần do áp lực căng thẳng gây ra, bỗng dưng mất hết hứng thú học tập, làm việc cũng như năng lực tranh đua. Các nhà chuyên môn vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng về cơ chế bệnh lý.

Điểm tương đồng của đa số đối tượng này: đều là người có thừa năng lực làm việc và học tập, yêu thích sự hoàn hảo, tính tình tháo vát, đòi hỏi tính chuyên nghiệp đến mức “đỉnh” trong công việc. Dẫu không thua, cũng chẳng ai nhận ra thất bại của họ, nhưng bản thân những người ấy vẫn không hài lòng với chính mình.

Ở độ tuổi vị thành niên như con bạn, trí tuệ của các em đang phát triển mạnh, ít kinh nghiệm sống, hầu như chưa được rèn luyện khả năng đón nhận thất bại nên rất dễ bị khủng hoảng tâm lý. Nếu các em không có sự thông cảm và trợ giúp của cha mẹ và thầy cô, có thể dẫn đến trầm cảm hoặc để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này.

Cháu nhà tôi học bài không thích ngồi bàn mà cứ nằm học rồi tí lại lăn ra ngủ. Cháu đã cận 5 độ rồi. Xin hỏi học ngồi hay học nằm tốt hơn? Tôi phải làm sao để mắt của cháu khỏe hơn?

Kim Thu, 43 tuổi, Thủ Dầu Một, Bình Dương

Trong mùa ôn thi, các sĩ tử thường học ngày học đêm, không để ý tới việc chỗ học có đầy đủ ánh sáng hay không, rồi ngồi học sai tư thế, nằm vạ vật khiến mắt phải điều tiết nhiều. Nhiều em có thói quen nhìn gần, khoảng cách giữa mắt và sách không hợp lý dễ dẫn đến mỏi mắt, khô mắt.

Trong bài Chăm sóc “cửa sổ tâm hồn”, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc khuyên để tránh bị cận thị hoặc không muốn cận thị năng hơn, các học sinh cần lưu ý:

– Nơi học tập cần có ánh sáng vừa đủ.

– Ánh sáng chói cũng làm mệt mắt tương tự như tình trạng thiếu ánh sáng. Nếu có đèn bàn thì cần đặt cao hơn đầu, ở về phía tay trái (để tránh bóng tay cầm viết), nên có chụp đèn để tránh chói mắt. Lúc đi ra ngoài trời nắng nên đội nón có vành che. Tránh “dí mắt” vào điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính nhiều giờ liên tục.

– Sách đặt thẳng góc mắt nhìn, cách xa từ 30 đến 35 cm. Bàn ghế ngồi ngay ngắn.

– Cứ khoảng 40 đến 45 phút thì cho mắt nghỉ “xả hơi” bằng cách nhắm mắt lại vài phút hoặc nhìn vào khoảng tối ở xa xa hay thực hiện các bài tập về mắt.

– Trong khẩu phần ăn hàng ngày, cần bổ sung vitamin A (có trong các loại trái cây màu vàng đỏ cà rốt, cà chua, dầu cá, trứng, trái gấc). Tuy nhiên không ăn nhiều quá vì có thể làm da bị “nhuộm màu”.

– Ngoài ra, để tránh các bệnh mắt hột, mắt đỏ, các em nên dùng khăn riêng của mình, không dụi tay bẩn vào mắt”.

Bác sĩ có lời khuyên nào dành cho những em học sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời?

Nguyễn Đồng, 37 tuổi, Xuan Loc, Dong Nai

Lo lắng trước kỳ thi là một hiện tượng tâm lý bình thường và phổ biến ở hầu hết sĩ tử. Tuy nhiên nếu để dồn nén làm “mất ăn mất ngủ”, ảnh hưởng đến chất lượng bài thi, đó lại là dấu hiệu đang bị áp lực thi cử. Nắm chắc kiến thức là cách “tháo van áp lực” này khi đi thi.

Khi ôn thi, có 2 cách nhớ kiến thức là nhớ ngay và nhớ lâu. Nhớ lâu là việc tích lũy kiến thức suốt năm học. Nhớ ngay là những gì phục vụ cho mùa thi (đó là phần giới hạn kiến thức bắt buộc, dạng bài thi, đề cương ôn thi). Còn phương pháp nhớ ngay giúp nạp kiến thức trong một thời gian ngắn nhưng thi xong sẽ quên, ngay vì điều đáng quan tâm là kết quả kỳ thi mà thôi.

Để cho trí nhớ hoạt động tốt, tôi có một số lời khuyên dành cho sĩ tử như sau:

1. Chọn nơi yên tĩnh để ôn bài: Việc tập trung cao độ là quan trọng hàng đầu. Nếu học trong lúc nhà bật ti vi, mở nhạc ồn ào thì ảnh hưởng lớn đến khả năng nhớ.

2. Trong khi học không làm việc khác, chỉ thỉnh thoảng đứng dậy thư giãn bằng vài động tác thể dục. Games và Facebook là kẻ thù số 1 của trí nhớ ngắn hạn, tuyệt đối không đụng vào những thứ này khi ôn thi.

3. Nên chọn bạn có chung mối quan tâm để cùng ôn: Được trao đổi với nhau lúc ôn thi, trí nhớ ngắn hạn của cả hai sẽ hoạt động tốt. Không học với bạn có quan tâm khác. Ví dụ cháu thi vào Đại học Y khoa thì phải học cùng với bạn luyện thi vào Khối B chứ đừng học với bạn định thi vào trường múa.

4. Chia bài học thành từng phần nhỏ thì trí nhớ ngắn hạn được phát huy. Nên chú trọng vào hiểu, đừng quá tập trung vào thuộc lòng. Khi đi thi, việc hiểu bài sẽ giúp học sinh viết được nhiều kiến thức, trái lại nếu chỉ tập trung vào nhớ, đến lúc thi có thể quên, hoặc bỏ sót nhiều ý hay.

5. Chăm lo giấc ngủ thật tốt. Khoa học đã chứng minh: người ngủ đủ giấc “nhớ dai” hơn người bị thiếu ngủ. Nhưng cũng đừng vì thế mà ngủ li bì khiến đầu óc mụ mẫm, tư duy chậm chạp hẳn đi. Cần ăn sáng đầy đủ để nạp năng lượng cho 1 ngày dài làm việc. Trước khi ngủ và sáng thức dậy, nên uống một cốc nước ấm pha với mật ong rừng.

6. Một ngày trước khi bước vào kỳ thi: có thể dừng việc học lại. Thư giãn, nghỉ ngơi là rất cần thiết trước ngày thi. Khi thi xong một môn nào đó lập tức “loại” môn đó ra khỏi đầu ngay. Trước khi bắt đầu môn kế tiếp, nên lướt nhanh một lần môn đó và đừng cố gắng nhớ vào lúc này. Chỉ đọc lại thôi.

7. Trong phòng thi: Lúc nhận được đề bài, hãy đọc lướt một lần đề bài rồi đọc lại xác định xem câu nào dễ, câu nào khó. Làm câu dễ trước, làm chắc bài nào ăn điểm bài đó ngay (vì nếu làm câu khó trước và gặp trục trặc thì tinh thần sẽ giảm xuống nhanh ảnh hưởng xấu đến các câu tiếp theo). Gặp câu khó, nghĩ một lúc lâu không ra nên dừng lại, nghỉ ngơi, nhìn ra cửa sổ và tốt nhất là nhìn vào cây xanh. Màu xanh lá cây sẽ giúp cho não có cảm giác dễ chịu và biết đâu lại nghĩ ra lời giải? Cố gắng không đầu hàng, nhớ được bao nhiêu, hiểu được gì là viết ra hết.

Đã hết thời gian tư vấn trực tuyến. Còn hơn 20 câu hỏi của độc giả, tôi sẽ tiếp tục trả lời trên suckhoe.vnexpress.net, mời các bạn theo dõi. Xin cảm ơn và xin chào.

Sức Khỏe