“Thảm họa” ở làng nuôi chim yến

TTO – Chuyện ở ấp Khương Ninh, xã Long Bình, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), nơi hiện có khoảng 80 nhà nuôi yến. Bài viết phản ánh thực tế cư dân “cắn răng” chịu đựng hệ lụy từ nghề nuôi chim yến của một bạn đọc đang sống tại ấp này.

Nghề nuôi chim yến để lấy “vàng trắng” ở miệt Gò Công, ấp Khương Ninh nổi tiếng cả chục năm qua là nơi có mật độ nhà nuôi yến dày đặc. Đã có khá nhiều đài, báo viết bài, đưa hình ảnh, tin tức… về sự trù phú của những làng yến và nguồn thu không nhỏ từ nghề này. Nhưng mặt trái của câu chuyện, cư dân không có nhà nuôi yến cảm thấy không thỏa đáng khi họ phải chịu đựng nhiều hệ lụy.

Nhà yến sát nhau, đầy trời chim yến bay (ảnh chụp ở ấp Khương Ninh, xã Long Bình, Gò Công Tây, Tiền Giang) – Ảnh: K.MINH

Từ chuyện phân chim yến

Đối với người nuôi chim yến, đây là một nguồn phụ thu không nhỏ ngoài tổ yến. Phân yến hiện có giá 100.000-200.000 đồng/kg, chủ yếu bán cho chủ những ngôi nhà yến mới xây để làm chất tạo mùi dẫn dụ. Với cư dân khác sống ở đây thì thực sự là thảm họa từ trên trời rơi xuống. Nóc nhà nào trong ấp Khương Ninh hiện nay cũng có dấu phân chim yến.

Như nhiều vùng nông thôn khác, người dân ở đây có tập quán hứng và trữ nước mưa để dùng cho việc ăn uống quanh năm. Vùng này nhiễm nước mặn, việc trữ nước mưa càng cần. Từ khi rộ phong trào nuôi chim yến, những hồ, phuy, lu, mái… để trữ nước mưa của mỗi nhà phải bỏ không, thậm chí đập bỏ vì nước mưa bây giờ không còn trong lành, mát rượi nữa, lúc nào cũng có màu, có mùi của phân chim yến. Hầu hết các hộ gia đình đều phải mua nước đóng bình để uống và nấu ăn.

Anh Ngô Thanh Mến, nhà ở hẻm số 4, gia đình anh có 3 người lớn, 1 trẻ con, mỗi tháng phải mua 20-22 bình (loại 20 lít). Nhiều gia đình khác cũng có mức tiêu hao như vậy. Mỗi hộ gia đình có số người trung bình ở đây mỗi tháng phải chi từ 300.000-500.000 đồng tiền mua nước. Số tiền này không lớn đối với các chủ nhà yến nhưng đối với người có thu nhập thấp thực sự là một phần chi tiêu đáng kể. Quan trọng hơn là tâm lý bị mất mát, bị tước đoạt cái vốn dĩ từ lâu được “trời” cho hưởng là nước mưa.

Nhiều hộ làm những cái phễu với 5-7 lớp vải mùng khi hứng nước vào hồ, lu chứa lại một thời gian sau mới dùng, một liệu pháp tâm lý để tự trấn an chứ làm sao có thể lọc, khử hết những chất trong phân yến đã hòa tan! Hai năm nay, nguồn nước ngọt từ Nhà máy nước BOO Đồng Tâm được dẫn về đáp ứng phần nào nhu cầu nước ngọt, nhất là trong mùa hạn mặn, nhưng phần lớn hộ gia đình chỉ dùng chủ yếu cho tắm, giặt, tưới cây, rửa chén, rửa rau…

Nhiều hộ gia đình ở ấp Khương Ninh cho biết phải mua lưới lan (loại lưới nilông che mát cho việc trồng hoa lan), làm khung bằng thép che rạp để… phơi quần áo và những thứ khác. Nếu không, mọi thứ sẽ dính đầy phân chim yến, phân này màu của nó rất bền, đã dính vào quần áo thì giặt cả tháng chưa phai, không kể tới mùi hôi.

Thiếu sự tương thân, tương ái

Ấp Khương Ninh nhỏ hẹp (167ha), dân số khá đông, 3.002 người/526 hộ dân. Chỉ có 57ha đất trồng, gần chục hộ ven sông Cửa Tiểu nuôi trồng chừng 10ha thủy sản nhưng được mất đan xen. Còn lại hầu hết làm nghề tự do, mua bán nhỏ, phụ hồ, công nhân… Thu nhập thực tế của cư dân còn khá thấp.

Ấp còn 13 hộ nghèo. Nói ra không ai có thể tin: năm 2018, ấp Khương Ninh được xã Long Bình giao chỉ tiêu vận động đóng góp cho quỹ “Vì người nghèo” của địa phương chỉ có 3 triệu đồng (bằng giá tiền 100gr tổ yến sạch loại trung bình). Đến tháng 11-2018, quỹ này mới được… 900.000 đồng, trong đó có phần của những người không có nhà nuôi yến. Được mệnh danh là “vương quốc yến” với đầy “vàng trắng” mà sao đến nông nỗi này?

Có khoảng 1/3 chủ nhà yến ở đây là người tại chỗ, còn lại từ nơi khác đến, có người đang ở nước ngoài. Những người đại diện thực chất là những người làm thuê. Chưa bao giờ ấp, xã có thể mời được hết những ông chủ nhà yến để trao đổi hay vận động họ tham gia những phong trào của địa phương… Những ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân” dù được mời bằng thư và trao tận nơi nhưng chỉ vài ba chủ nhà yến đến dự.

Và trông chờ chính sách của Nhà nước

Ở Tiền Giang, từ năm 2008 đã ban hành quy định tạm thời về việc dẫn dụ và gây nuôi chim yến trên địa bàn, sau đó có chỉnh sửa bổ sung nhiều lần. Những văn bản này tuy có nói đến trách nhiệm bảo vệ môi trường nhưng chưa có điều khoản nào về nghĩa vụ của người nuôi yến đối với cư dân sở tại khi xảy ra ô nhiễm từ chim yến.

Đã có nơi chính quyền đứng ra hòa giải mâu thuẫn giữa những chủ nhà yến và cư dân bằng những thỏa thuận dân sự, người nuôi yến chia sẻ một phần chi phí mua nước uống sạch cho hàng xóm; quy định định mức đóng góp cho địa phương hay tài trợ cho một chương trình nhân đạo, công trình dân sinh nào đó… Những cách này có thể xoa dịu phần nào bức xúc nhưng đó chỉ là những giải pháp tạm thời, không ràng buộc.

Thiết nghĩ, Nhà nước cần phải sớm có luật liên quan đến việc nuôi chim yến. Họ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một người sản xuất, kinh doanh, nhất là các nghĩa vụ về thuế. Với nguồn thu từ thuế sẽ điều tiết để bù đắp cho những cư dân sở tại (trợ giá nước sinh hoạt, hỗ trợ hộ nghèo, xây dựng các công trình văn hóa dân sinh… chẳng hạn).

Cắn răng chịu đựng

Không thể dời nhà đi nơi khác, cư dân ở đây phải cắn răng để sống chung với những hệ lụy từ chim yến. Tiếng loa phát rả rích thâu đêm suốt sáng, người già, trẻ nhỏ khó tìm được giấc ngủ ngon… Ban ngày, trường mẫu giáo xã lẽ ra chỉ có tiếng trẻ cười đùa, ê a đọc bài thì chỉ nghe toàn tiếng chim yến vì xung quanh trường có hàng chục nhà nuôi yến.

Nhiều cây xanh bị triệt phá và không trồng lại vì có thể ảnh hưởng đến đường bay của chim. Cả xóm cứ ngước lên là thấy đen ngòm, xám xịt những khối bêtông. Tất nhiên, khí hậu cục bộ cũng có chiều hướng ngày càng xấu đi. Vấn đề dịch bệnh có thể phát sinh và phát triển ở loài chim yến hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Sự lo ngại về sức khỏe của cư dân ở đây ngày càng lớn.