Nghề nuôi chim yến tại Việt Nam: Chưa xứng với tiềm năng

Đến tháng 3/2017, đã có 36 tỉnh, thành phố phát triển nghề nuôi yến trong nhà (nhà yến), với tổng số trên 5.060 nhà yến.

Nghề khai thác tổ yến đã có từ lâu đời ở nước ta. đảo yến thiên nhiên được khai thác ở các hang đảo từ Quảng Bình đến Côn Đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong đó, Khánh Hòa là nơi có số lượng quần thể, sản lượng dẫn đầu cả nước, có truyền thống lịch sử ngành nghề lâu đời.

Chăm sóc chim yến non tại Công ty .

Nghề yến sào Khánh Hòa được duy trì từ đời này sang đời khác và phát triển mạnh mẽ đến ngày hôm nay. Hiện nay, Khánh Hòa là địa phương có số đảo yến tự nhiên nhiều nhất cả nước. Trong đó, Công ty TNHH nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa đang quản lý 33 đảo yến, với 173 hang yến từ Quảng Bình đến Côn Đảo cùng hơn 5.800 cán bộ-công nhân viên, 26 đơn vị trực thuộc, trên 1.000 nhà phân phối, đại lý. Chất lượng thương hiệu sản phẩm Yến sào Khánh Hoà không chỉ khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Bên cạnh nghề khai thác tổ yến tự nhiên, những năm trở lại đây, nghề nuôi chim yến lấy tổ cũng không ngừng phát triển. Đến tháng 3-2017, đã có 36 tỉnh, thành phố phát triển nghề nuôi yến trong nhà (nhà yến), với tổng số trên 5.060 nhà yến. Trong đó các địa phương thuộc khu vực phía Nam như: Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang mỗi nơi có từ 550 đến 700 nhà yến.

Miền Trung mạnh nhất là các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, khi mỗi tỉnh đều có trên 200 nhà yến và đây là những địa phương đã quy hoạch vùng nuôi chim yến tại mỗi địa phương. Điều đáng ghi nhận là thời gian gần đây, các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình và các tỉnh Tây Nguyên gồm: Kon Tum, Gia Lai đã bắt đầu hình thành nghề nuôi yến trong nhà.

Sản lượng thu hoạch nhà yến tại Việt Nam cũng tăng nhanh qua các năm. Năm 2016, một số nhà yến có sản lượng khá như: nhà yến tại Trảng Bom (Đồng Nai) thu hoạch trên 19.323 tổ/năm, Rạch Giá (Kiên Giang) thu hoạch 9.365 tổ/năm, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thu hoạch 16.117 tổ/năm, Phú Riềng (Bình Phước) thu hoạch 15.759 tổ/năm, nhà yến tại Khánh Hòa thu hoạch 17.947 tổ/năm.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cả nước sẽ có 10.000 ngôi nhà yến. Đến năm 2030, sản lượng yến sào xuất khẩu sẽ đạt hơn 100 tấn thành phẩm; giá trị kim ngạch xuất khẩu yến sào sẽ đạt 200 triệu USD/năm.

Trên thế giới chỉ có 6 nước có được tổ yến nhờ khí hậu và điều kiện tự nhiên phù hợp, trong đó có Việt Nam. Giá trị sản phẩm yến sào của nước ta được đánh giá cao hơn sản phẩm của các nước trong khu vực. Các đơn vị nuôi yến và sản xuất các sản phẩm yến sào có kinh nghiệm và bí quyết kỹ thuật trong khai thác, sản xuất.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và thế mạnh to lớn này. Sản lượng yến của Việt Nam rất thấp, chỉ bằng phần nhỏ các nước trong khu vực. Vì vậy, giá bán yến tự nhiên, yến nuôi của Việt Nam luôn ở mức cao.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Công Hoạt (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá: mặc dù có chất lượng tốt, nhưng sản lượng yến sào của Việt Nam chỉ vào khoảng 10 tấn/ năm, chỉ bằng từ 10% – 14% so với một số nước như Malaysia (100 tấn/ năm), Thái Lan (60 – 70 tấn/năm). Tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến đảo thiên nhiên của nước ta còn rất lớn, dọc bờ biển còn có nhiều hang đảo bỏ trống, có thể nuôi chim yến đảo.

PGS.TS Phạm Công Hoạt (Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, để phát triển ngành hàng yến sào, Việt Nam cần xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm tổ yến, ứng dụng công nghệ mới tạo sản phẩm cao cấp từ yến.

Ngoài ra, Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng, Chủ tịch HĐTV Công ty Yến sào Khánh Hòa cho rằng, cần tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng yến sào, truy xuất nguồn gốc; Kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường trong các vùng nuôi chim yến; Xây dựng quy chế phối hợp quản lý nghề nuôi chim yến tại Việt Nam một cách đồng bộ.

Theo ông Hoàng, “để phát triển nghề nuôi chim yến cần có quy hoạch các vùng trong nước; đồng thời có những giải pháp đồng bộ về quản lý, sự phối hợp và thống nhất để có thể phát triển bền vững ngành nghề nuôi chim yến tại Việt Nam”./.