Người mắc bệnh tiểu đường ở Việt Nam tăng gấp đôi trong 10 năm

Thế giới ước tính trong 20 năm, số người mắc đái tháo đường trên toàn cầu tăng 54%, riêng Việt Nam chỉ cần 10 năm đã tăng đến 200%. Viêm da, nấm, viêm nang lông, mụn cóc… là những bệnh về da thường mắc khi tập luyện tại phòng gym.Ban đầu các bác sĩ chẩn đoán Tori Geib (Mỹ) bị trầm cảm, làm việc quá sức, khi xác định ung thư vú thì đã ở giai đoạn cuối.Người bị ngưng thở khi ngủ thường có triệu chứng ngáy, giật mình thức giấc kèm ngạt thở, buồn ngủ vào ban ngày.Nên ăn sữa chua sau ăn, không ăn khi đói, không để đông đá và xem kỹ hạn sử dụng để bảo vệ sức khỏe khi ăn.

Con số đáng báo động này được nhiều chuyên gia nhắc đến tại hội thảo kiểm soát bệnh đái tháo đường hưởng ứng ngày Sức khỏe thế giới năm nay diễn ra tại Hà Nội sáng 7/4.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật đang gia tăng nhanh chóng và ngày càng trầm trọng của bệnh đái tháo đường nói riêng và các bệnh không lây nhiễm nói chung. Sau 10 năm tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng đã tăng gấp 2 lần từ gần 3% dân số lên đến 5,4%. Ước tính nước ta có khoảng 3 triệu người bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm xét nghiệm máu sàng lọc bệnh tiểu đường bên lề hội thảo. Ảnh: Đ.A.

Theo tiến sĩ Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội), đái tháo đường là bệnh mãn tính không lây đang gia tăng rất nhanh trên toàn thế giới. 80% bệnh nhân sống tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân hàng đầu là do lối sống ít vận động, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu năng lượng và sự đô thị hóa. Bệnh đứng thứ 4 trong số các nguyên nhân gây tử vong.

Báo động về mức gia tăng nhanh chóng của bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường tại nước ta, tiến sĩ Dương cho biết, thế giới dự báo trong 20 năm 2010-2030 tỷ lệ mắc đái tháo đường trên toàn cầu tăng 54% thì tại Việt Nam chỉ trong 10 năm vừa qua đã tăng tới 200%. Tỷ lệ tiền đái tháo đường cũng gia tăng nhanh chóng từ 7,7% lên gần 14%.

Điều khiến các chuyên gia ngạc nhiên là tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở miền Tây Nam Bộ, sau đó đến duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Hồng (có TP Hà Nội), và Đông Nam Bộ (TP HCM). Qua đó cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh của Việt Nam tăng rất nhanh và trải đều trên toàn quốc chứ không chỉ tập trung ở hai thành phố lớn.

Nước ta cũng có đến gần 64% người mắc đái tháo đường nhưng không hề biết mình bị bệnh, tỷ lệ này ở các nước phát triển là 20-30%. Ngoài ra, độ tuổi mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 ngày càng trẻ hóa.

“Trước người 40-45 tuổi mới mắc bệnh tuy nhiên hiện nay lứa tuổi mắc bệnh đang trẻ hóa. Thậm chí các bác sĩ đã khám và điều trị cho trẻ 12,13 tuổi bị đái tháo đường tuýp 2, không chỉ ở thành phố lớn như Hà Nội mà cả các tỉnh miền núi như Phú Thọ”, tiến sĩ Dương nói.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự gia tăng nhanh chóng của bệnh ngoài vấn đề dân số tăng nhanh, tỷ lệ già hóa dân số nhanh thì phải đề cập đến vấn đề chế độ dinh dưỡng. Trong thời gian dài, tổng năng lượng không thay đổi nhưng khẩu phần bữa ăn thay đổi nhanh chóng và tạo ra sự mất cân bằng trong khẩu phần ăn và dư thừa năng lượng. Ví dụ mức độ tiêu thụ dầu, mỡ tăng nhanh từ 12 g mỗi người trên ngày vào năm 1985 đã tăng lên 24,9 g vào năm 2000 và tăng vọt lên 37,7 g vào năm 2010, cao hơn rất nhiều các nước.

Ông Lại Đức Trường, cán bộ Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam chia sẻ, đái tháo đường đang trở thành bệnh dịch trên toàn thế giới. Số tử vong do căn bệnh này gấp hơn 3 lần khi so với HIV/AIDS hay lao và gấp gần 10 lần so với sốt rét. Bệnh phổ biến thế giới, cứ 11 người trưởng thành thì có một người bị đái tháo đường. Được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”, đái tháo đường tiến triển từ từ nhưng để lại hậu quả rất trầm trọng: Đột quỵ, mù lòa, nhồi máu cơ tim, suy thận, tổn thương bàn chân, loét chân có thể dẫn đến cắt cụt chi.

Bệnh nguy hiểm nhưng theo ông Trường phần lớn có thể phòng được. Theo đó, người dân cần nắm được thông tin về bệnh, khi xác định có nguy cơ cao thì phải đi làm xét nghiệm phát sớm để quản lý điều trị kịp thời. Đặc biệt quan trọng là thực hiện lối sống lành mạnh: bỏ hút thuốc, ăn uống hợp lý, duy trì cân nặng hợp lý, giảm đường, giảm muối, không uống rượu bia ở mức gây hại, hoạt động thể lực.

“Hoạt động thể lực không chỉ là thể thao, thể dục mà trong công việc hằng ngày cần tận dụng mọi cơ hội để vận động như đi thang bộ thay thang máy. Ngồi lâu một chỗ cũng có thể có tác hại giống như hút thuốc lá”, ông Trường nói.

Khuyến cáo phòng chống đái tháo đường

1. Mỗi người dân cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc và không lạm dụng rượu bia để dự phòng mắc đái tháo đường nói riêng cũng như các bệnh không lây nhiễm nói chung.

2. Thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm đường máu tại các cơ sở y tế, đặc biệt người trên 40 tuổi, là biện pháp hiệu quả nhất để phát hiện bệnh sớm.

3. Người mắc bệnh vẫn có thể sống khỏe và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm, tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc.

Nam Phương