Hàn the độc nhưng vẫn phải ăn

“Vẫn biết hàn the độc hại nhưng tẩy chay nó thì chỉ có cách nhịn luôn giò chả, bánh giò và nhiều món ngon khác, vì chúng luôn có hàn the” – chị Hoa, khách mua hàng ở chợ Trương Định (Hà Nội), nói. Đây cũng là ý kiến của đa số độc giả tham gia khảo sát trên VnExpress. Viêm da, nấm, viêm nang lông, mụn cóc… là những bệnh về da thường mắc khi tập luyện tại phòng gym.Ban đầu các bác sĩ chẩn đoán Tori Geib (Mỹ) bị trầm cảm, làm việc quá sức, khi xác định ung thư vú thì đã ở giai đoạn cuối.Người bị ngưng thở khi ngủ thường có triệu chứng ngáy, giật mình thức giấc kèm ngạt thở, buồn ngủ vào ban ngày.Nên ăn sữa chua sau ăn, không ăn khi đói, không để đông đá và xem kỹ hạn sử dụng để bảo vệ sức khỏe khi ăn.

Hàn the là muối của acid boric (tên hóa học là natri borat), khi vào cơ thể được đào thải phần lớn qua nước tiểu và các tuyến mố hôi, còn khoảng 15% tích lũy trong các mô, tập trung nhiều nhất ở gan, óc, tim, phổi, dạ dày, thận, ruột… Cơ thể tích lũy hàn the nhiều sẽ gây khó tiêu, chán ăn, mệt mỏi do ngộ độc mãn tính; nếu nặng sẽ làm thoái hóa cơ quan sinh dục, gây suy yếu khả năng sinh sản và tổn thương bào thai.

Tuy những tác hại của hàn the hiện không còn xa lạ với công chúng nhưng trong hơn 1.000 độc giả tham gia khảo sát trên VnExpress, vẫn có 29 người cho rằng hàn the chẳng ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Ông Văn Hà, một cán bộ nhà nước 49 tuổi, sống ở quận Hai Bà Trưng, thuộc nhóm này: “Tôi nghiện giò chả, ngày nào chả ăn suốt mấy chục năm nay có làm sao đâu? Mà bao nhiêu đời vẫn dùng hàn the để chế biến, ai cũng ung thư với vô sinh thì làm sao sinh ra thế hệ sau nữa? Tôi nghĩ chẳng qua báo chí và khoa học nói quá, chứ muốn độc thì có khi phải ăn cả thúng hàn the ấy”.

Điều đáng nói là một bộ phận lớn dân cư hoàn toàn không để ý đến lượng hàn the khi mua thực phẩm. Trong khảo sát của VnExpress, tỷ lệ này là 22,6%. Sự thiếu thông tin về ảnh hưởng của hàn the lên cơ thể, hoặc thiếu tin tưởng vào khuyến cáo của giới khoa học có thể là nguyên nhân của sự bàng quan này.

Mặc dù vậy, đa số độc giả đều đã nhận thức được tác hại của phụ gia này. Cứ 10 bạn đọc tham gia cuộc thăm dò thì gần 7 người cho biết họ phải dùng sản phẩm chứa hàn the vì không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ vĩnh viễn những món ăn khoái khẩu, chiếm tỷ lệ không nhỏ trong thực đơn của người Việt Nam.

Một bộ phận nhỏ khác tuy biết hàn the có hại nhưng vẫn chấp nhận vì tưởng rằng hàm lượng chất này “chẳng đáng là bao”. Gần 7% độc giả dùng thực phẩm chứa hàn the vì cho rằng hàm lượng chất này không đáng kể nên chắc không ảnh hưởng gì.

Cán bộ y tế kiểm tra kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm chủ một cửa hàng thức ăn đường phố. Ảnh: M.L.

Bỏ ngoài tai các khuyến cáo, những mặt hàng có hàn the vẫn không hề ế ẩm. Người nội trợ vẫn mua chúng cho gia đình vì các lý do: rẻ, ngon; ăn ít không sao; không biết sản phẩm nào là an toàn, hoặc biết an toàn nhưng sản phẩm không ngon nên không mua…

Trong một điều tra do Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM thực hiện trên gần 400 người, với câu hỏi “Vì sao biết sản phẩm có hàn the mà vẫn mua?”, có đến 17% người tiêu dùng cho biết vì nó rẻ, 20% chấp nhận ăn thực phẩm có hàn the vì… ngon. Nhiều người tiêu dùng còn khẳng định rằng, họ chủ động đặt làm sản phẩm có hàn the để bảo đảm được ngon miệng.

Trong số các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, khoảng 70% có kiến thức về hàn the. Họ biết đây là phụ gia ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế nhưng vẫn sử dụng. Cứ 10 “ông chủ” thì 9 cho biết họ buộc phải dùng hàn the vì nếu không, sản phẩm sẽ không đủ sức thu hút khách hàng. Họ chấp nhận bị phạt tiền và hủy hàng nhưng không tìm cách khắc phục.

Bà Đào Mỹ Thanh, Trưởng khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, chủ nhiệm cuộc khảo sát, cho biết: “Đa số các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, nhất là ở các chợ, không khai báo địa chỉ cung cấp sản phẩm cho mình. Kết quả kiểm tra cho thấy, hàn the được dùng phổ biến nhất ở các thực phẩm như chả lụa (giò lụa), giò sống, mì sợi. Các cơ sở sản xuất ở nội thành hay dùng hàn the hơn so với ngoại thành”.

Bà Thanh cho rằng, muốn thay đổi tình trạng trên, chỉ còn cách kêu gọi người tiêu dùng thay đổi thói quen trong chọn lựa thực phẩm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt thật nghiêm các cơ sở cố tình vi phạm. Cần thông tin rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng các đơn vị sản xuất kinh doanh sản phẩm không hàn the. “Sắp tới, trong đợt thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm theo chỉ đạo của Bộ Y tế, đoàn kiểm tra sẽ phạt tiền 10-15 triệu đồng với những cơ sở vi phạm dù quy mô sản xuất kinh doanh lớn hay nhỏ, theo nghị định 45 của Chính phủ”, bà Thanh cho biết thêm.

Mỹ Lan – Thanh Nhàn