30 phút tư vấn trực tuyến về cách ăn uống phòng ngừa ung thư

15h chiều 12/6, bác sĩ Trần Nguyên Hà, Trưởng Khoa Nội 4 Bệnh viện Ung bướu TP HCM tư vấn trên VnExpress.net về cách ăn uống phòng ngừa ung thư. Uống quá nhiều rượu bia, chất độc không thể thoát ra mà tích tụ trong gan làm gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan.Khi bị va chạm mạnh, khối cơ lưỡi ở người tụt xuống, gây nghẹt đường thở, cản trở hô hấp, gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.Fucoidan hỗ trợ thúc đẩy quá trình tự diệt của tế bào ung thư, góp phần ức chế khối u, tăng miễn dịch cơ thể khi hóa, xạ trị.

Kính chào bác sĩ Trần Nguyên Hà, tôi thường xuyên làm việc xa nhà và thường xuyên ăn cơm ở tiệm, làm cách nào để tránh những thực phẩm gây hại cho cơ thể có thể gây ung thư? Cảm ơn bác sĩ.

NGUYỄN THỊ AN, 35 tuổi, Quảng Ngãi

Chào bạn, chào độc giả VnExpress.

Mặc dù các chuyên gia khuyên rằng nên nấu ăn và ăn tại nhà là tốt nhất vì ta có thể kiểm soát được nhiều thứ như kiểm soát nhiệt độ khi nấu ăn, hạn chế chất béo, muối, đường… nhưng cuộc sống hiện đại rất bận rộn khiến nhiều người không thể thực hiện được điều này. Trường hợp của bạn nên tạo thói quen chọn chế độ ăn như sau:

– Ăn ít chất béo bão hòa và mỡ động vật thay vào đó ăn nhiều rau quả tươi.

Ăn ít thịt đỏ, ăn nhiều cá.

Ăn ít muối, đường và nhiều chất xơ.

Mấy năm gần đây xã hội phát triển nên việc chế biến thức ăn cũng hiện đại đáng kể. Ví dụ như bún là món ăn khoái khẩu và không thể thiếu đối với mọi người trong khi đó bột dùng để làm bún thì lại sử dụng chất nepan? Xin bác sĩ hướng dẫn dùm nhằm hạn chế bớt thôi chứ tôi nghĩ còn vô số và đầy rẫy các loại khác nữa. Cảm ơn bác sĩ.

Trịnh Ngọc Mai, 45 tuổi, Mạc Đĩnh Chi, Phường 5, TP Cà Mau

Đúng là cuộc sống hiện đại rất khó kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm và nhiều yếu tố nguy cơ khác nữa như chị nói nhưng nếu chúng ta biết cách hạn chế thì vẫn có thể giữ gìn sức khỏe, điều nên làm trong đó có chế độ ăn. Tuy ung thư là bệnh rất phức tạp nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy lên đến 35% tất cả các loại ung thư có thể được làm giảm nguy cơ bằng cách:

– Ăn “lành”.

– Hoạt động thể lực

– Duy trì cân trọng cho cơ thể khỏe mạnh

Thực hiện các điều kể trên không phải là việc dễ dàng nhưng cũng không khó như ta nghĩ. Ăn “lành” không có nghĩa là phải bỏ tất cả các loại thực phẩm yêu thích của mình hay hoạt động thể lực là bắt đầu phải chạy marathon. Chìa khóa là tập trung vào những gì bạn thêm vào cuộc sống, không phải những gì bạn lấy đi. Ví dụ ta vẫn ăn bún nhưng có thể tự làm hoặc mua ở những nơi tin cậy hoặc tập thói quen rửa kỹ rau quả kể cả khi được đóng “mác” là rau sạch.

Kính thưa bác sĩ Hà, nhờ bác sĩ tư vấn giúp em: Cách ăn uống phòng ngừa ung thư giữa người bình thường chưa từng mắc ung thư và bệnh nhân đã từng mắc bệnh ung thư có gì khác nhau không ạ? Những kiêng cữ trong ăn uống giữa 2 đối tượng này có giống nhau không? Đối với những người đã từng mắc bệnh ung thư có nên ăn những thực phẩm sữa chua, đậu nành, bánh mì? Lá đu đủ, nấm linh chi, măng tây có chức năng chống bệnh ung thư tái phát không ạ? Em cảm ơn bác sĩ.

Phạm Thị Cẩm Tú, 33 tuổi, Chợ Gạo, Tiền Giang

Chào em, nhìn chung cách ăn uống phòng ngừa ung thư giữa người bình thường, chưa từng mắc ung thư và bệnh nhân đã từng mắc bệnh ung thư (đã điều trị) không khác nhau. Trừ một vài trường hợp ví dụ như cần chia nhỏ bữa ăn ở bệnh nhân đã phẫu thuật cắt dạ dày hoặc bệnh nhân đang hóa trị…

Sữa chua giàu canxi bệnh nhân nên ăn, nếu có thể, nên chọn loại ít đường, ít béo. Đậu nành cung cấp protein rất tốt. Đậu nành chứa chất phytochemical như estrogen, trong đó có thể giúp làm giảm nguy cơ loãng xương và bệnh tim. Các nghiên cứu không kết luận đậu nành làm tăng nguy cơ ung thư. Nên trao đổi với bác sĩ điều trị trước khi thêm đậu nành vào chế độ ăn uống của bệnh nhân. Bánh mì ăn được.

Lá đu đủ, nấm linh chi, măng tây không có chức năng chống bệnh ung thư tái phát.

Tôi bị viêm gan B mạn, tôi nhờ bác sĩ chỉ dẫn tôi nên ăn gì và không nên ăn gì để phòng ngừa bệnh ung thư gan.

Phạm Thị Liên, 39 tuổi, Phú Khương, TP Bến Tre

Chào chị, để giảm nguy cơ ung thư gan, chị nên:

– Đến bác sĩ để được khuyến cáo điều trị và tầm soát phát hiện sớm ung thư gan.

– Tránh ăn các thức ăn ẩm mốc, ôi thiu… vì các thức ăn này có chứa chất Aflatoxin làm tăng nguy cơ ung thư gan. Aflatoxin được sản sinh bởi một loại nấm có thể phát triển trên một loạt các loại thực phẩm như ngũ cốc, hạt có dầu, gia vị cũng như sữa, thịt, khô, trái cây… Không nên ăn các loại hạt có mùi mốc, nhìn thấy mốc hoặc đang bị teo lại, đổi màu hoặc bị hư hỏng.

Mẹ tôi bị bệnh ung thư vú giai đoạn đầu. Ngoài bệnh ung thư mẹ tôi còn bị huyết áp thấp, viêm phổi, tiểu cầu thấp. Hiện nay mẹ tôi vẫn đang nằm ở khoa hồi phục đã được gần 1 tháng rồi nhưng vẫn chưa được vào thuốc. Vậy cho tôi hỏi, mẹ tôi có ăn được tổ yến không. Xin bác sĩ tư vấn về cách ăn uống để cho mẹ tôi mau khoẻ bệnh. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Phan Thị Hiền, 31 tuổi, Đông Hoà, Thị xã Dĩ An, Bình Dương

Chào bạn, chế độ ăn rất quan trọng trong suốt thời gian hóa trị ung thư vì giúp đối phó với các tác dụng phụ của thuốc cũng như chống lại tình trạng nhiễm trùng dễ dàng hơn và giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn. Nên chọn chế độ ăn cân bằng, đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Tốt nhất là chọn thực phẩm từ các nhóm sau:

– Trái cây và rau quả.

– Thịt gia cầm, cá, ngũ cốc.

– Bánh mì và những sản phẩm từ sữa.

Ăn tốt còn có nghĩa là cung cấp đủ lượng calo hằng ngày cho cơ thể, quan trọng nhất là đủ lượng protein để tái cấu trúc và sửa chữa da, lông, tóc, cơ và các cơ quan bị tổn hại do hóa trị. Ngoài ra, bạn còn phải uống đủ lượng nước và các chất lỏng khác để bảo vệ thận và bàng quang trong thời gian hóa trị.

Trường hợp của mẹ bạn có nhiều bệnh lý đi kèm, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn một kế hoạch điều trị phù hợp. Tổ yến ăn được.

Mùa hè, con tôi đòi ăn bơ và kem. Xin hỏi bác sĩ có được không?

Phạm Thị Kim Dung, 38 tuổi, 42 vo tru

Bạn cho bé ăn ít thôi vì ăn nhiều dễ làm bé bị béo phì. Có thể thay thế kem bằng sữa chua ít béo và phô mai bạn nhé.

Xin bác sĩ tư vấn giúp về thức ăn, uống giúp tăng bạch cầu, hạ men gan để hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư đang điều tri hóa trị. Thuốc tiêm giúp tăng bạch cầu có ảnh hưởng gì lâu dài cho người dùng không? Có các thực phẩm, trái cây nào kỵ thuốc này không? Chân thành cảm ơn bác sĩ

Lưu Ngoc Bích Hà, 57 tuổi

Chào chị, chị nên ăn uống cân bằng, đủ chất dinh dưỡng. Tránh ăn nhiều dầu mỡ và dùng thuốc hỗ trợ chức năng gan từ đơn thuốc bác sĩ đã hoặc sẽ kê cho chị nếu men gan tăng cao (viêm gan do thuốc).

Hiện chưa có bằng chứng về ảnh hưởng lâu dài của thuốc tiêm giúp tăng bạch cầu. Cũng chưa có kết luận thực phẩm nào kỵ với thuốc này. Mong chị yên tâm.

Thưa bác sĩ câu hỏi của cháu rất đơn giản là ăn uống như thế nào thì phòng ngừa bệnh ung thư?

Nguyen Hoang Nguyen Qua, 46 tuổi, Le Van Sy, quan Tan Binh, TP HCM

Để làm giảm nguy cơ ung thư bằng cách ăn uống, chúng ta nên:

– Ăn uống cân bằng, đủ chất dinh dưỡng.

– Ăn nhiều rau quả tươi. Tốt hơn nữa là hãy trộn chúng lại.

– Vứt bỏ lá ngoài của bắp cải, xà lách và các loại rau khác.

– Ăn nhiều chất xơ cũng có thể làm giảm nguy cơ một số bệnh ung thư trong đó có ung thư đại trực tràng.

– Cắt giảm lượng muối và đường trong công thức nấu ăn nếu có thể. Đường chứa nhiều calo nhưng ít chất dinh dưỡng dễ gây thừa cân.

– Ăn các thực phẩm chế biến ít thường xuyên hơn.

– Nấu và ăn ở nhà thường xuyên hơn giúp kiểm soát lượng muối và lượng chất béo.

– Nên chọn chất béo không bão hòa có trong quả bơ, bơ thực vật, dầu như dầu ô liu… Omega-3 là một loại chất béo không bão hòa được tìm thấy trong dầu cá như cá hồi, cá trích và cá thu, đậu nành…

– Bớt ăn thịt, cá… chiên, nướng với nhiệt độ quá cao, nhất là mỡ động vật (các chất làm gia tăng nguy cơ ung thư có thể hình thành ở nhiệt độ cao).

– Nên ướp thịt, cá trước khi nấu ăn.

– Không sử dụng hộp đựng bằng nhựa để làm nóng thức ăn trong lò vi sóng, ngoại trừ loại được dán nhãn an toàn khi sử dụng trong lò vi sóng.

– Không ăn thức ăn có dấu hiệu của nấm mốc.

– Tránh uống nước ô nhiễm (chất asen có thể tăng nguy cơ một số loại ung thư) như nước giếng chưa được kiểm nghiệm. Chất clo dùng để làm sạch nước nhưng nếu chất này quá nhiều có thể tăng nguy cơ ung thư bàng quang.

– Hạn chế uống rượu bia…

Đã hết thời gian tư vấn trực tuyến. Còn hơn 40 câu hỏi của độc giả, tôi sẽ tiếp tục trả lời trên suckhoe.vnexpress.net, mời các bạn theo dõi. Xin cảm ơn và xin chào.

Sức Khỏe