30 phút tư vấn trực tuyến phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường

Bác sĩ Trần Viết Thắng ở Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM tư vấn trên VnExpress.net về bệnh tiểu đường. Tôi mang thai 3 tháng, muốn chụp ảnh bụng bầu kỷ niệm từng tháng thai nhưng nhiều người ngăn sợ bé sẽ mất duyên. Có đúng không bác sĩ? (Vân)

Xin hỏi bác sĩ, dấu hiệu mắc bệnh tiểu đường là như thế nào?

ngô thanh hoa, 22 tuổi

Chào bạn, chào độc giảVnExpress.net,

Người bị đái tháo đường có thể có các triệu chứng như khát nước và uống nước nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều, sụt cân. Đôi khi bệnh nhân tiểu đường đến khám bác sĩ vì các triệu chứng như mờ mắt, vết loét lâu lành, tê tay chân, nhiễm nấm âm đạo…

Cần chú ý là đa số bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 hoàn toàn không có bất kỳ triệu chứng nào. Bệnh chỉ được phát hiện khi họ đến khám vì những biến chứng nặng nề của đái tháo đường như biến chứng mắt, thận, tim mạch, đoạn chi… Do đó, cần tầm soát bệnh đái tháo đường định kỳ ở những người có các yếu tố nguy cơ như:

– Người thừa cân, béo phì.

– Ít vận động thể lực.

– Gia đình trực hệ có người bị đái tháo đường (bố, mẹ, anh chị em ruột).

– Phụ nữ sinh con có cân nặng từ 4 kg trở lên hoặc bị đái tháo đường thai kỳ.

– Người bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu.

Những người từ 45 tuổi trở lên không có các yếu tố nguy cơ trên cũng nên tầm soát bệnh. Nếu kết quả xét nghiệm bình thường, nên lặp lại xét nghiệm sau từ một đến 3 năm (có thể lặp lại sớm hơn tùy kết quả xét nghiệm và các yếu tố nguy cơ).

Tôi bị bệnh tiểu đường 13 năm, đang dùng thuốc liều cao điều trị. Đường huyết dao động từ 8 đến 9 mmol/L. Cơ thể vẫn thấy bình thừờng. Xin hỏi bác sĩ với mức đường huyết như thế có gây biến chứng không? Tôi thử máu định kỳ 3 tháng, kết quả chức năng gan,thận, mỡ máu đều tốt. Vừa rồi bác sĩ cho chích insulin 10 đơn vị mỗi ngày một lần, kèm theo uống thuốc. Như vậy có tốt không? Cám ơn bác sĩ.

Lý công Hiền, 53 tuổi

Mục tiêu điều trị đái tháo đường là kiểm soát đường huyết lúc đói từ 70 đến 130 mg/dL (3,8 đến 7,2 mmol/L), đường huyết 2 giờ sau ăn dưới 180 mg/dL (10 mmol/L) và HbA1c dưới 7%. Mục tiêu này có thể thay đổi tùy theo từng người.

Như vậy nếu đường huyết đói của bạn từ 8 – 9 mmol/L là còn cao. Đường huyết cao lâu ngày sẽ dễ gây tổn thương, rối loạn chức năng nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu.

Thông thường những bệnh nhân bị đái tháo đường lâu, từ 10 năm trở lên, có sự giảm tiết insulin nên việc điều trị insulin cũng là một biện pháp được lựa chọn. Tuy nhiên cần chú ý tác dụng phụ của thuốc là gây hạ đường huyết. Bạn cần chú ý chích insulin đúng theo hướng dẫn và không được bỏ bữa ăn.

Tôi đo chỉ số Hba1c là 6,2. Đi khám bác sĩ nói chưa cần uống thuốc. Như vậy có đúng không?

Nguyen thi ngoc, 56 tuổi, 34 đường 80 ngõ 69a hoang.f văn thái

Mục tiêu của điều trị đái tháo đường là kiểm soát đường huyết đói từ 70 đến 130 mg/dL, đường huyết 2 giờ sau ăn dưới 180 mg/dL và HbA1c dưới 7%. Mục tiêu này có thể thay đổi tùy theo từng bệnh nhân. Nếu như bạn chưa điều trị gì trước đó, đường huyết đói đạt mức mục tiêu thì không cần điều trị thuốc, chỉ cần thay đổi lối sống và theo dõi đường huyết định kỳ là được.

Làm sao điều trị dứt bệnh đái tháo đường?

Huynh Ba Bich Van, 35 tuổi

Đái tháo đường là một tình trạng rối loạn chuyển hóa đặc trưng bởi sự gia tăng lượng đường trong máu do tuyến tụy sản xuất không đủ insuline hay có khiếm khuyết trong hoạt động insuline, hoặc cả hai. Tình trạng tăng đường trong máu lâu ngày sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu.

Điều trị bệnh đái tháo đường bao gồm các biện pháp không dùng thuốc như thay đổi chế độ ăn, giảm lượng đường (carbohydrate), luyện tập thể dục đều đặn kết hợp với các biện pháp dùng thuốc để kiểm soát đường trong máu, tránh gây tổn thương các cơ quan.

Một số bệnh nhân có thể kiểm soát đường huyết tốt bằng chế độ ăn và luyện tập thể dục mà chưa cần phải dùng thuốc hạ đường huyết. Hiện nay trên thế giới chưa có phương pháp nào giúp điều trị khỏi hẳn bệnh đái tháo đường. Do đó việc phòng ngừa bệnh có vai trò rất quan trọng bằng cách thay đổi lối sống: Có chế độ ăn lành mạnh và luyện tập thể dục thường xuyên.

Có thể trị dứt bệnh trong thời gian bao lâu?

Võ văn Thắng, 65 tuổi, 61/134 Lê Đức Thọ, F6,Gò Vấp TpHCM

Như đã đề cập ở trên, đái tháo đường là một tình trạng rối loạn chuyển hóa, hiện chưa có phương pháp nào giúp điều trị khỏi hẳn.

Một số bệnh nhân sau khi được chẩn đoán đái tháo đường và điều trị một thời gian, cơ thể có thể kiểm soát đường huyết tốt bằng chế độ ăn và luyện tập thể dục mà chưa cần phải dùng thuốc hạ đường huyết. Tình trạng này cũng gây ngộ nhận là đã chữa khỏi bệnh đái tháo đường. Thực tế là bệnh mới chỉ được kiểm soát tốt bằng chế độ ăn và luyện tập thể dục. Trong trường hợp ấy, dù không dùng thuốc hạ đường huyết, bệnh nhân vẫn cần đến khám bác sĩ định kỳ để được kiểm tra đường huyết thường xuyên và dùng thêm thuốc hạ đường huyết khi cần thiết.

Xin hỏi cách phòng ngừa bệnh tiểu đường?

hoang the hung, 1954 tuổi

Để phòng ngừa bệnh đái tháo đường hiệu quả, cần có lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn hợp lý (tăng chất xơ, giảm bớt chất béo và bột đường). Bên cạnh đó cần luyện tập thể lực thường xuyên, kiểm soát cân nặng hợp lý, nếu có thói quen hút thuốc lá thì phải bỏ.

Tôi bị bệnh tiểu đường tuýp 2 từ năm 2008. Hãy tư vấn giúp tôi cách ăn uống và các chế độ sinh hoạt của người bệnh tiểu đường.

nguyen van chuan, 52 tuổi, 36/23 Tổ 1 pk6, Tam hiệp, Bh, Đồng nai

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường có thể khác nhau tùy mỗi người do sở thích, thói quen, tập quán ăn uống. Bạn cần nắm một số nguyên tắc quan trọng trong chế độ dinh dưỡng như sau:

– Kiểm soát lượng bột đường ăn vào. Điều này rất quan trọng trong việc đạt mục tiêu kiểm soát đường huyết.

– Nên sử dụng nguồn bột đường (carbohydrate) từ rau, trái cây, ngũ cốc nguyên vỏ, sản phẩm từ sữa tốt hơn nguồn từ các thực phẩm chứa mỡ và đường. Cần tránh ăn đường cát, đồ uống ngọt.

– Chọn chất bột đường có nhiều chất xơ, hấp thụ tối thiểu 130 g một ngày, không quá 60% tổng năng lượng.

– Chất đạm (protein): 1 g/kg cân nặng một ngày.

– Ăn cá ít nhất 3 lần một tuần.

– Chất béo (lipid): Chọn loại mỡ không bão hòa.

– Không nên uống quá một lon bia một ngày.

– Nếu có thói quen hút thuốc lá thì nên ngưng hẳn.

Về vận động: Hình thức tập thể dục đơn giản và dễ áp dụng nhất là đi bộ tổng cộng 150 phút mỗi tuần, không nên ngưng luyện tập 2 ngày liên tiếp. Ở người lớn tuổi có thể chia đi bộ nhiều lần trong ngày, mỗi lần từ 10 đến 15 phút.

Chú ý, không nên luyện tập thể dục quá sức khi đường huyết chưa ổn định. Cần kiểm tra biến chứng tim mạch, thần kinh, biến dạng chân trước khi luyện tập nhằm tránh bị biến chứng nguy hiểm khi vận động.

Em bị tiểu đường tuýp 1, phát hiện 2 năm nay rồi, đang chích insulin. Chỉ số đường huyết của em không ổn định. Xin hỏi bác sĩ, giờ em chuyển qua uống thuốc viên có được không?

nguyen vu toan, 36 tuổi

Bệnh đái tháo đường thường được chia thành 2 loại: Đái tháo đường tuýp 1 (ít gặp hơn, chỉ chiếm 5-10%) và tuýp 2 chiếm đa số, khoảng 90-95%. Tuýp 1 thường gặp ở trẻ em hay thanh thiếu niên. Nguyên nhân là do tuyến tụy sản xuất quá ít insulin, thường là do bệnh tự miễn.

Trong trường hợp của bạn nếu đúng là đái tháo đường tuýp 1 thì cần phải được chích insulin suốt đời, không chuyển sang thuốc viên được. Nếu ngưng chích, bạn có thể bị những biến chứng nguy hiểm như hôn mê nhiễm ceton axit. Đây là một biến chứng cấp tính của bệnh có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Tôi bị tiểu đường 7 năm, tuýp 2. Xin hỏi cách điều trị?

Ngô Thị Kiểm, 74 tuổi, 15 Lê Duẩn- Q1- TP.HCM

Như đã đề cập ở trên, điều trị bệnh đái tháo đường bao gồm: Các biện pháp không dùng thuốc như thay đổi chế độ ăn, giảm lượng đường (carbohydrate), luyện tập thể dục đều đặn kết hợp với các biện pháp dùng thuốc để kiểm soát đường trong máu, tránh gây tổn thương các cơ quan.

Hiện nay có nhiều loại thuốc hạ đường huyết (đường uống và đường tiêm dưới da) có cơ chế tác dụng, tác dụng phụ và chống chỉ định khác nhau. Do đó việc dùng nhóm thuốc nào phải do bác sĩ quyết định tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân cụ thể. Không thể có công thức điều trị chung cho tất cả mọi người. Bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể về trường hợp của mình.

Hiện nay dùng loại thuốc nào trị bệnh tiểu đường đường tuýp 2 là tốt nhất?

le quang, 63 tuổi

Đái tháo đường tuýp 2 có cơ chế gây bệnh phức tạp, do nhiều nguyên nhân góp phần làm gia tăng đường huyết. Hiện nay Cơ quản Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã chấp thuận 11 nhóm thuốc trong điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2. Trong đó nhóm thuốc metformin thường được dùng để khởi đầu điều trị ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 mới chẩn đoán.

Các nhóm thuốc có cơ chế tác dụng, tác dụng phụ và chống chỉ định khác nhau nên việc dùng loại phải do bác sĩ quyết định tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân cụ thể. Do đó tôi không thể tư vấn cho bạn loại thuốc nào là tốt nhất được.

Tôi phát hiện bệnh tiểu đường cách đây một năm, chỉ số 9,5. Uống thuốc một tháng còn 7,3. Từ đó đến nay uống đều đặn, đo chỉ số còn 5,3, với chế độ ăn của người bình thường. Vậy tôi không uống thuốc nữa có được không?

lêthanhcanh, 54 tuổi

Tôi cần biết thêm ngoài chỉ số đường huyết đói như bạn mô tả, mức HbA1c (còn gọi là mức đường trong máu) trung bình 3 tháng trước của bạn là bao nhiêu, bạn đang được điều trị với thuốc viên hạ đường huyết loại nào và có tác dụng phụ gì gây khó chịu cho bạn không?

Việc quyết định nên tiếp tục dùng thuốc hay ngưng phải do bác sĩ điều trị quyết định. Như đã đề cập ở trên, có một số bệnh nhân sau khi được chẩn đoán đái tháo đường và điều trị một thời gian, cơ thể có thể kiểm soát đường huyết tốt bằng chế độ ăn và luyện tập thể dục và không cần phải dùng thuốc. Dù vậy, ngay cả trong trường hợp ngưng thuốc, bạn cũng cần phải tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để được theo dõi đường huyết thường xuyên và dùng thuốc thích hợp khi cần.

Đã hết thời gian tư vấn trực tuyến. Những câu hỏi còn lại của bạn đọc, tôi sẽ tiếp tục trả lời trên suckhoe.vnexpress.net, mời các bạn tiếp tục theo dõi. Xin cảm ơn và xin chào.

Sức Khỏe